Ưu tiên dành cho khách hàng liên hệ sớm nhất! - Xem ngay

CÁC GIAI ĐOẠN ĐỤC THỦY TINH THỂ

CÁC GIAI ĐOẠN ĐỤC THỦY TINH THỂ

Đục thủy tinh thể là bệnh phổ biến ở người cao tuổi và cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa.

Đục thuỷ tinh thể là gì?

Thủy tinh thể là một cấu trúc dạng thấu kính mỏng trong suốt bên trong mắt, nằm ở phía sau mống mắt. Thủy tinh thể giúp tập trung ánh sáng và hình ảnh vào mắt, giúp chúng ta nhìn rõ cả xa và gần khi ta thay đổi tầm nhìn. Khi tính chất trong suốt của thủy tinh thể bị thay đổi sẽ trở thành bệnh đục thủy tinh thể.

Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh đục thủy tinh thể như: bẩm sinh, chấn thương, bệnh lý toàn thân, sử dụng thuốc, tuổi tác, … Trong đó, đục thủy tinh thể do tuổi tác chiếm đa số các trường hợp.

Đục thủy tinh thể do tuổi thường gặp ở người từ 50 tuổi trở lên. Lúc này, do tiến triển của quá trình lão hóa thủy tinh thể bị mất dần tính trong suốt và từ từ trở nên đục gây ra giảm thị lực.

Ảnh minh hoạ so sánh mắt bị đục thuỷ tinh thể và mắt bình thường: Internet. 

Thông thường, đục thủy tinh thể sẽ phân thành 4 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (đục thủy tinh thể bắt đầu): đây là giai đoạn ban đầu của đục thủy tinh thể, lúc này thủy tinh thể vẫn còn trong nhưng có sự thay đổi ở tính chất thủy tinh thể gây cho người bệnh các triệu chứng như hình ảnh thiếu rõ nét, chóa sáng, hoặc thay đổi sức nhìn xa gần.

- Giai đoạn 2 (đục thủy tinh thể sớm): trong giai đoạn này thủy tinh thể bắt đầu có hiện tượng đục nhẹ, người bệnh có thể cảm thấy nhìn mờ và chóa sáng nhiều hơn. Thời điểm này bệnh nhân có thể sử dụng kính để hạn chế chóa sáng hoặc cải thiện sức nhìn.

- Giai đoạn 3 (đục thủy tinh thể chín): lúc này thủy tinh thể đục nhiều hơn, thường có màu trắng đục hoặc vàng hổ phách. Bệnh nhân có giảm thị lực nhiều có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Đây là giai đoạn người bệnh sẽ được khuyên điều trị với phương pháp phẫu thuật.

Đục thủy tinh thể điều trị an toàn và hiệu quả bằng phương pháp Phaco

- Giai đoạn 4 (đục thủy tinh thể muộn): giai đoạn này thủy tinh thể đục nhiều với màu trắng sữa hoặc nâu đen, trở nên cứng. Thị lực giảm trầm trọng và gây khó khăn cho việc phẫu thuật. Nếu bệnh nhân tiếp tục không điều trị có thể dẫn đến tình trạng viêm màng bồ đào, Glaucoma (cườm nước) và có thể dẫn đến mù lòa.

Do mức độ đục thủy tinh thể ở 2 mắt có thể không giống nhau và tiến triển của đục thủy tinh thể tăng dần từ từ theo thời gian nên dễ dẫn đến tình trạng người bệnh có thể đến khám trong giai đoạn muộn gây ảnh hưởng đến việc điều trị cũng như hiệu quả sau điều trị. Do vậy, người bệnh cần khám mắt tổng quát định kỳ, nếu phát hiện đục thủy tinh thể cần tuân thủ lịch trình tái khám hoặc hướng dẫn điều trị của bác sỹ.

ThS. BS Trần Quốc Tú

Bài trước